Nguyễn Huệ sinh năm 1753 tại vùng Tây Sơn, phủ Quy Nhơn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ông người gốc họ Hồ, thuở nhỏ tên là Thơm, sau đổi tên thành Nguyễn Huệ, sinh ra trong gia đình có 03 anh em. Nguyễn Huệ được miêu tả: Tóc xoăn, da sầm, mắt như chớp sáng, tiếng nói sang sảng như tiếng chuông, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và can đảm.
Năm 1771, khi mới 18 tuổi, chứng kiến cảnh lầm than cực khổ của người dân quê nhà và không chịu nổi sự chuyên quyền của Quốc phó Trương Phúc Loan, Nguyễn Huệ đã bàn bạc với anh là Nguyễn Nhạc, em là Nguyễn Lữ lên vùng Tây Sơn thượng đạo xây dựng căn cứ, dựng cờ khởi nghĩa. Tại đây, nhờ có sách lược khôn khéo mà phong trào của 3 anh em họ Nguyễn nhanh chóng thu hút được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân trong vùng. Thế và lực của nghĩa quân Tây Sơn phát triển nhanh chóng.
Mùa thu năm 1773, Nguyễn Huệ chỉ huy một đạo quân đánh chiếm thành Quy Nhơn rồi sau đó lần lượt tiến đánh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận... Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ huy mưu lược của Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ một vùng rộng lớn từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận...
Năm 1777, nghĩa quân Tây Sơn tiếp tục đánh chiếm thành Quy Nhơn làm căn cứ, rồi nhiều lần tấn công và giải phóng Gia Định, tiêu diệt thế lực của Chúa Nguyễn và giải phóng Đàng Trong. Các tướng cũ của chúa Nguyễn tiếp tục lập Nguyễn Ánh làm chúa và chiếm lại Gia Định.
Năm 1783, Nguyễn Nhạc lại cử Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mang quân Nam tiến, truy kích tiêu diệt Nguyễn Ánh, buộc Nguyễn Ánh phải bỏ chạy ra đảo Phú Quốc, rồi đảo Thổ Chu. Đầu năm 1784, Nguyễn Ánh sang Xiêm (Thái Lan) cầu viện. Vua Xiêm sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 5 vạn quân thủy, bộ cùng 300 chiếc thuyền sang xâm lược nước ta. Được tin báo quân Xiêm xâm lược, Nguyễn Huệ đem đại binh vào Gia Định. Trong mấy trận đầu, quân Tây Sơn giả thua rút lui để nhử giặc vào trận địa mai phục. Đêm 19 rạng 20 tháng 01 năm 1785, khi quân Xiêm kéo vào Rạch Gầm và Xoài Mút (phía Tây Mỹ Tho) bị phục binh Tây Sơn từ các mặt tiến công bất ngờ, quyết liệt. 05 vạn quân thủy bộ cùng 300 chiến thuyền bị đánh tan tác, chỉ còn vài nghìn tên sống sót chạy trốn về nước.
Sau khi lật đổ thế lực của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, năm 1786 Nguyễn Huệ đem quân ra đánh Bắc và nhanh chóng lật đổ tập đoàn phong kiến họ Trịnh thống trị đã hơn 250 năm, chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh, khôi phục lại nhà Hậu Lê, chấm dứt tình trạng phân biệt Đàng Trong – Đàng Ngoài kéo dài suốt 2 thế kỷ.
Tuy nhiên, vì hèn kém, nhu nhược và để bảo vệ ngai vàng, năm 1788, Lê Chiêu Thống “cõng rắn cắn gà nhà” cầu viện quân Thanh. Vua Càn Long nhà Thanh lợi dụng cơ hội để xâm lược nước ta, cử Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân Thanh sang xâm chiếm nước ta. Được tin, Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang tại Phú Xuân, lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung; rồi lập tức thống lĩnh đại quân (khoảng 5 vạn người) tiến ra Bắc. Khi nghĩa quân Tây Sơn đến Tam Điệp (Ninh Bình), sau khi xây dựng lực lượng và nắm tình hình, vua Quang Trung mở tiệc khao quân, tuyên bố cho quân sĩ “ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến sang xuân, ngày 07 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lời ta xem có đúng thế không?”. Đứng trước ba quân, vua Quang Trung dõng dạc tuyên bố: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Đánh cho lịch sử muôn đời biết nước Nam anh hùng là có chủ).
Đêm 25/01/1789 (đêm 30 Tết), đạo quân chủ lực áp sát, bao vây đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Tây), quân Thanh hoảng sợ phải đầu hàng. Mờ sáng ngày 30/01/1789, quân Tây Sơn tiến đánh đồn Ngọc Hồi, đạo quân thứ hai bất ngờ tiến công mãnh liệt vào đồn Đống Đa. Quân Thanh bị tiêu diệt hàng vạn tên, tướng chỉ huy Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử. Quân Tây Sơn tiến vào thành Thăng Long đánh bại hoàn toàn quân xâm lược.
Sau khi bước đầu hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 1789 đến năm 1792, với tư tưởng tiến bộ ông đã liên tiếp đề ra nhiều kế hoạch cải cách về kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự,... nhằm xây dựng đất nước và tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại từ phương Tây.
Ngày 15/9/1792, Hoàng đế Quang Trung đột ngột qua đời. Đây là một tổn thất lớn cho dân tộc Việt Nam cuối thế kỉ XVIII
Ý kiến bạn đọc
Tên lớp | Xếp hạng |
---|---|
10a1 | 5 |
10a2 | 9 |
10a3 | 8 |
Xem chi tiết |